Tin buồn cho cán bộ xã: Nhiều cán bộ sở muốn chuyển về xã công tác sau sáp nhập tỉnh, còn cán bộ xã thì đi đâu?

Tin buồn cho cán bộ xã: Nhiều cán bộ sở muốn chuyển về xã công tác sau sáp nhập tỉnh, còn cán bộ xã thì đi đâu?

Trong bối cảnh chuẩn bị sắp xếp lại các đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, nhiều cán bộ, công chức tại tỉnh Quảng Trị có nguyện vọng được chuyển công tác về cấp xã.

Ngày 15/4, lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị đang khảo sát và tổng hợp số liệu về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các sở, ban, ngành có nguyện vọng chuyển về công tác tại cấp xã.

Việc khảo sát nhằm xây dựng phương án sắp xếp nhân sự phù hợp khi triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, gắn với việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã; đồng thời, nắm bắt tình hình đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nguyện vọng chuyển công tác.

Nhiều cán bộ ở Quảng Trị có nguyện vọng chuyển về xã công tác (Ảnh: Nhật Anh).

Theo Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị, việc điều động, bố trí lại nhân sự còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số lượng người nghỉ hưu, chỉ tiêu biên chế và vị trí việc làm cụ thể.

Mặc dù chưa có thống kê chính thức, song theo tìm hiểu, đã có hàng trăm cán bộ, công chức ở Quảng Trị có nguyện vọng chuyển công tác về cấp xã. Trong đó, nhiều người nằm trong độ tuổi 30-50, có trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Phần lớn là chuyên viên, trưởng hoặc phó các phòng, ban.

Lý do chuyển công tác chủ yếu xuất phát từ điều kiện gia đình như chăm sóc con nhỏ, cha mẹ già yếu, hoặc do vợ, chồng công tác xa.

Đề án sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Trị đang được các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh xây dựng. Tỉnh này đặt mục tiêu trình đề án lên Trung ương trước ngày 1/5.

Theo Nghị quyết số 60 của Hội nghị Trung ương 11, dự kiến tỉnh Quảng Trị sẽ được hợp nhất với tỉnh Quảng Bình và giữ tên là tỉnh Quảng Trị. Trung tâm hành chính của tỉnh mới sẽ đặt tại địa bàn hiện nay của tỉnh Quảng Bình.