MỸAlmaguer, sống ở New York đã nghỉ việc tại một công ty công nghệ với mức lương 150.000 USD mỗi năm vì kiệt sức sau 12 giờ làm việc mỗi ngày.
Chuyển sang một công việc ít căng thẳng hơn vào năm ngoái đã giúp cô có nhiều thời gian hơn để nấu nướng, thể dục và thư giãn cùng chồng sắp cưới.
“Kiếm được nhiều tiền như thế cũng chẳng ích gì vì tôi không có thời gian để tiêu. Giờ đây tôi thực sự hạnh phúc vì đã lấy lại được thời gian của mình”, cô nói.
Người Mỹ bỏ việc tương đối ồ ạt trong vài năm qua nhưng điều đáng chú ý là nhiều người chọn làm việc ít hơn, thu nhập thấp hơn. Do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều người nhận ra sự nghiệp không quá quan trọng như họ tưởng và bỏ việc lương cao đã giúp họ tăng nhiều thứ khác, chẳng hạn thời gian và quyền tự chủ cá nhân.
Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận sự đánh đổi này. Công việc trước trong lĩnh vực công nghệ của Roger Sarkis quá căng thẳng và buộc phải giữ liên lạc gần như mọi lúc. Năm 2021 anh nghỉ để làm một việc nhàn hơn trong chính quyền tiểu bang. Tuy nhiên việc giảm lương và uy tín đã khiến anh trầm cảm hàng tháng.
“Có thời điểm kỹ năng và kiến thức của tôi được định giá 120.000 USD một năm. Bây giờ nó được định giá 50.000 USD. Nhiều lúc tôi thấy mình mất giá trị”, Sarkis, 38 tuổi ở Provo, Utah, cho biết.
Anh đã phải tìm đến chuyên gia để trị chứng trầm cảm. May mắn là vợ anh được tăng lương nên quá trình đổi việc của anh dễ dàng hơn. “Bây giờ tôi hạnh phúc và hài lòng hơn với công việc của mình”, Roger, hiện giảng dạy tại một trường đại học địa phương và điều hành một doanh nghiệp nhỏ, cho biết.
Theo một nghiên cứu của hai nhà kinh tế Mỹ Katherine Lim và Mike Zabek công bố hồi tháng 2, việc cắt giảm lương thường gây khó chịu nhưng 40% người lao động nhận ra rằng công việc mới của họ tốt hơn công việc trước đó; 42% cho biết họ cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn.
Amelia Noël, một chuyên gia nghề nghiệp ở New York, cho biết khi khách hàng bỏ việc lương cao sang việc lương thấp, trước tiên cô yêu cầu họ thử những gì có thể để cảm thấy bớt đau khổ hơn trong công việc hiện tại.
Ví dụ, cô giúp họ viết lại những lý do gây căng thẳng và làm việc quá sức từ công việc trước. Khoảng một nửa số khách hàng kết luận họ có thể hạnh phúc với công việc hiện tại sau khi thực hiện những bài tập này.
Như trường hợp của David Nitchman, 55 tuổi, ở Massachusetts đã nghỉ việc marketing để theo đuổi ước mơ dạy học. Giúp sinh viên kinh tế nắm vững những khái niệm phức tạp mà họ không biết hỏi ở đâu đã mang lại cho ông cảm giác mình có giá trị.
“Khi bạn loại bỏ động lực theo đuổi mức lương lớn hơn, bạn sẽ học được cách hài lòng hơn với những gì mình có”, Nitchman nói.
Mặt khác Amelia Noël cũng yêu cầu khách hàng tính toán lại các chi phí cho cuộc sống. Qua đó nhiều người nhận thấy họ không cần nhiều tiền như họ nghĩ. Một số người cắt giảm lương đã học cách tiết kiệm hơn.
Quyết định cắt giảm 30% lương đã khiến Dustin Stapp, giám đốc kỹ thuật 39 tuổi tại một công ty điện lực ở Tempe, Arizona, phải tạm dừng việc đổi chiếc ôtô 12 tuổi.
Anh và vợ tiết kiệm hơn các chi phí ăn uống và tiêu dùng. Họ cho biết việc tìm kiếm các nhà cung cấp mới cho bảo hiểm nhà cửa, xe cộ, di động cũng giúp họ tiết kiệm 2.500 USD mỗi năm.
“Việc cắt giảm ngân sách là xứng đáng để công việc bớt căng thẳng hơn”, Stapp nói. Gần đây anh đi xem con gái biểu diễn, điều mà anh ấy không thể làm được trong công việc trước.
Theo một khảo sát 2023 của Ford Motor, khoảng một nửa người lao động Mỹ nói sẵn sàng giảm 20% lương nếu điều đó tăng thêm chất lượng cuộc sống. Có điều, một công việc được trả lương thấp, cũng có thể không ổn định.
Kỹ sư công nghệ Almaguer đã bị sa thải khỏi công việc ít cường độ hơn mà cô đảm nhận vào năm 2023. Nhưng cô cho biết việc cắt giảm lương vẫn giúp cô thăng tiến trong cuộc sống. Sau khi mất việc vào tháng 1 năm nay, cô cùng một người bạn mở một cửa hàng nội thất trực tuyến và hiện rất thành công.
“Bây giờ tôi là ông chủ của chính mình. Nó giống như một giấc mơ vậy”, cô nói.