Xôn xao ‘trường tiểu học yêu cầu học sinh phải đọc được 10 chữ trong SGK mới được nhận hồ sơ vào lớp 1’
Thông tin này đã được báo chí chính thống đăng tải và đang gây hoang mang dư luận. Mình chia sẻ lại chi tiết trong bài viết bên dưới cho mọi người cùng biết nhé!
Cụ thể là ngày 12/8, phản ánh với Tuổi Trẻ Online, một phụ huynh tên là N.T.X.H ở phường Thanh Sơn (thuộc TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) bức xúc cho biết đầu tháng vừa qua, khi đưa con đến Trường tiểu học Thanh Sơn để đăng ký vào lớp 1 thì học sinh này bị cô hiệu trưởng”test” đầu vào băng cách đọc chữ trong sách giáo khoa. Phụ huynh bày tỏ bức xúc vì con chị chưa học lớp 1 sao lại bắt đọc chữ trong sách.
phụ huynh này cho biết, tại trường, cô hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo một giáo viên lấy sách giáo khoa lớp 1 mở ra giữa quyển, yêu cầu con chị H. đọc khoảng 10 chữ.
“Cô hiệu trưởng bảo nếu cháu đọc tốt hết thì mới nhận hồ sơ cho cháu vào lớp 1. Nhưng con tôi chưa học lớp 1, nên cháu chỉ gắng đọc được 6 – 7 chữ thôi. Cô hiệu trưởng bảo cháu còn yếu nên không nhận” – chị H. kể.
Chị H. cho biết, do đợt dịch COVID-19 ở TP.HCM kinh tế gặp khó khăn, nên từ đầu năm 2023 chị về quê ở Ninh Thuận để làm ăn. “Năm 2023 do chưa hiểu việc phải đăng ký hộ khẩu thường trú trên 6 tháng mới được cho con đi học, do đó tôi đăng ký chậm dẫn tới con cũng trễ học 1 năm. Con tôi sinh năm 2017, đáng lẽ năm nay đã lên lớp 2 rồi” – chị H. chia sẻ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Hồng Lam – hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Sơn giải thích rằng, trước nay không có quy định đọc chữ, nhưng do bà thấy con chị H. sinh năm 2017, trễ học lớp 1 một năm nên mới chỉ đạo giáo viên đưa sách cho cháu đọc thử ra sao, nếu ổn thì mới nhận hồ sơ.
“Cái này là chúng tôi không phải “test” đọc chữ gì cả, do phụ huynh hiểu lầm thôi. Nhà trường đang xem xét, sẽ có kế hoạch nhận cháu sớm để cháu có cơ hội đến trường” – bà Lam nói.
Liên quan đến việc này, bà Trần Thị Hường – trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Phan Rang – Tháp Chàm cho biết đã nắm sự việc. Phòng đang chỉ đạo Trường tiểu học Thanh Sơn khẩn trương xem xét nhận trường hợp nêu trên.
“Tôi đã yêu cầu cô hiệu trưởng sớm xem xét nhận hồ sơ cho cháu, chậm nhất là ngày 15-8 phải giải quyết cho cháu được đến trường” – bà Hường nói.
Con chị H bị test đọc trước khi được nhận hồ sơ, ảnh:TTO
Không phải ngẫu nhiên mà các nhà khoa học, nhà tâm lý giáo dục cho rằng: 6 tuổi là độ tuổi phù hợp để bước vào lớp 1. Do đó, khi chưa tròn 6 tuổi, các yếu tố về thể lực, kỹ năng, tâm lý của trẻ chưa đáp ứng được yêu cầu về vận động, sinh hoạt, giao tiếp, học tập của học sinh lớp 1. Việc dạy trẻ trước chương trình học lớp 1 là không phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ dưới 6 tuổi và hoạt động chủ đạo của trẻ lớp mẫu giáo. Điều đó ảnh hưởng đến việc phát triển toàn diện của trẻ.
Theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ở bậc học mẫu giáo, trẻ đã được làm quen với bảng chữ cái và phép toán trong phạm vi 10, nhận biết phân biệt các khối, hình phẳng… Theo đó, trẻ sẽ được học chữ cái thông qua các hoạt động như nhận diện 29 chữ cái, tập tô, sao chép từ đơn giản, cô giáo rèn cho trẻ tư thế ngồi, cách cầm bút… Đối với môn Toán, trẻ sẽ được làm quen với phép tính cộng trừ trong phạm vi 10 dưới dạng câu hỏi “thêm, bớt”. Đây là nền tảng cho bé học theo kịp chương trình ở lớp 1.
Để bảo đảm về mặt sức khỏe cũng như tâm lý của trẻ khi vào học lớp 1, cha mẹ nên có những chuẩn bị trước cho bé về tâm lý khi thay đổi môi trường học tập, từ học mẫu giáo được vui chơi thoải mái về thời gian, không gian vận động sang học tập ở môi trường tiểu học (môi trường có kỷ luật, thời gian, không gian gò bó hơn trước).
Để trẻ chuyển giai đoạn không làm ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng học tập, phụ huynh nên cho trẻ tham gia vào các lớp kể chuyện sáng tạo, nhạc, vẽ, các lớp phát triển khả năng trí tuệ, kỹ năng xã hội… Theo cô Nguyễn Thị Kim Loan, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền
Việc được học trước chương trình sẽ khiến trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập khi vào học lớp 1, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm, sinh lý của trẻ. Với những trẻ biết đọc, biết viết trước thường mạnh dạn, tự tin hơn các bạn khác khi bắt đầu vào học, nhưng sau một vài tuần, trẻ sẽ lơ là, không tập trung khi thầy, cô giảng bài.
Trong khi đó, những trẻ không được học trước chương trình sẽ háo hức và tập trung hơn. “Về lâu dài, những trẻ học trước chương trình sẽ dễ bị thụt lùi. Chưa kể đến những trẻ học trước chương trình nhưng không đúng phương pháp sư phạm, giáo viên sẽ mất khá nhiều thời gian, công sức để uốn nắn lại cho học sinh”, cô Loan chia sẻ thêm.