Anh nói với chị: “Chiều em mua ít hải sản về nấu nhé. Nhà ta có khách”. “Ai vậy anh?”. “À, ông này giàu có lắm, lại nhiệt tình nữa. Ông ấy thích ăn hải sản, nên mình tiếp đón đàng hoàng, tươm tất một chút”.
Chị ngồi bần thần mất một lúc, rồi hỏi: “Anh mời à, hay người ta muốn đến?”. “Anh mời. Em yên tâm, chơi với ông ấy chỉ có lợi, không mất mát gì đâu mà sợ thiệt”.
Chị nói bằng giọng buồn so: “Thì em vẫn biết thế, nhưng thật sự nhà mình đang kẹt tiền, đồng phục, sách vở cho con còn chưa mua nữa”.
Nghe chị nói vậy, anh xẵng giọng: “Sao đầu óc em ngắn thế. Mình nghèo mới cần lấy lòng những người như ông ta, chứ giàu thì anh ra nhà hàng rồi, chẳng cần năn nỉ nhờ vả đến em”.
Chị bấm bụng đi mượn tiền đứa bạn thân về đi chợ, vì hải sản rất mắc. Chị xào nấu, tiếng xèo xèo như cứa vào vị giác của chị.
Ông khách tới, anh vồn vã ra đón. Chị nhìn bạn của anh, thì có cảm giác ông ta tầm thường, không bệ vệ, cũng không chau chuốt cầu kỳ.
Để tạo sự thoải mái cho hai người, chị kiếm cớ đang bận dưới bếp. Nhưng ông khách năn nỉ chị và cháu ngồi ăn cùng. Thức ăn ngon thế này, ông muốn cả gia đình chị thưởng thức, còn ông chỉ là phụ, góp vui là chủ yếu.
Anh gắp những miếng ngon nhất bỏ vào chén mời khách. Ông chỉ cười, rồi đưa mắt nhìn cháu bé con của anh chị.
Đứa bé gầy nhom, ánh mắt lấm lét thèm thuồng nhìn con tôm hùm, nuốt nước bọt ừng ực.
Ông âu yếm hỏi cháu bé: “Cháu có thích ăn tôm không nào?”. Anh chị chưa kịp ngăn, thì cháu bé đã nhanh nhảu: “Cháu thích lắm ạ, nhưng cháu chưa được ăn bao giờ cả”. “Vậy à. Thế thì hôm nay cháu ăn thoải mái nhé. Cháu năm nay học lớp mấy rồi?”. “Cháu vào lớp bảy ạ. Nhưng cháu chưa có sách, đồng phục. Vì mẹ cháu đang bận, chưa đi mua được cho cháu”.
Ông khách không nói gì thêm. Trước khi ra về, ông nói với anh: “Cậu xin lỗi vợ cậu giúp tôi. Vì sự xuất hiện của tôi mà cô ấy phải xoay sở, cho đẹp mặt cậu, dù con cô ấy đang đói. Tôi cảm thấy xấu hổ lắm. Xin lỗi cậu, vì tôi không ăn tôm hùm. Tôi không nuốt nổi, cậu hiểu không”