Từ vụ công bố sao kê tiền từ thiện: Khi lòng thương chỉ là hàng… fake
Sau khi MTTQ Việt Nam công bố sao kê tiền ủng hộ người dân bị bão lụt, mạng xã hội lập tức dậy sóng do vô số “bộ mặt thật” làm từ thiện đã lộ diện. Nhiều người phẫn nộ đề nghị xử lý nghiêm hành vi ăn bớt tiền từ thiện, giả mạo chứng từ…
Lợi dụng bão lụt để làm màu, đánh bóng bản thân
Theo báo An ninh thủ đô, gọi điện đến Đường dây nóng ANTĐ, ông Phạm Đức Long – cán bộ hưu trí ở quận Ba Đình, Hà Nội bức xúc, trong khi cả nước đang đồng lòng hướng về các tỉnh bị thiên tai lũ lụt với hàng nghìn hộ dân ở trong cảnh màn trời chiếu đất thì không ít đối tượng lại lợi dụng hoàn cảnh đó để làm màu, đánh bóng bản thân, dựng “phông bạt” che mắt thiên hạ.
Họ đua nhau chia sẻ hình ảnh đã chuyển khoản vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhưng thực tế, số tiền chỉ là vài chục nghìn đồng, thậm chí họ còn photoshop lệnh chuyển tiền thành công hoặc tự chuyển lại cho… chính mình. Nếu MTTQ không công khai toàn bộ bản sao kê, những đối tượng này vẫn được cộng đồng mạng tung hô lên đến tận mây xanh, nào là Mạnh Thường Quân, người “có tấm lòng Bồ Tát”…
Khi sự thật phơi bày, sự dối trá này, những lòng thương giả tạo, fake này đã khiến nhiều người dân sự phẫn nộ, đặc biệt là bà con tại cùng mưa lũ. Không chỉ có vậy, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của các hoạt động từ thiện thực chất, đến những cơ quan, tổ chức đứng lên quyên góp nhận tiền. Và sau cùng, người chịu thiệt thòi nhất, đau xót nhất chính là người dân đang gặp khó khăn, hoạn nạn – ông Long chua xót nói.
Với quan điểm tương tự, chị Trần Thu Vân – nhân viên ngân hàng ở quận Tây Hồ, Hà Nội cho rằng, làm từ thiện là tùy tâm và trong lúc khó khăn, ai quyên góp bao nhiêu cũng là đáng quý, bởi “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Song, điều quan trọng nhất khi làm từ thiện là sự chân thành, minh bạch và trung thực. Khi tình thương bị mang ra làm màu, được che đậy bởi sự giả tạo và gian dối thì nó còn còn ý nghĩa nữa.
Đáng buồn hơn, một số cá nhân còn đại diện cơ quan, đơn vị… để chuyển tiền ủng hộ đồng bào bị bão lũ với số tiền vỏn vẹn 10.000 đồng, 50.000 đồng…Điều này cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng đã có sự bòn rút tiền từ thiện của tập thể? Hành vi này có vi phạm pháp luật? – chị Vân băn khoăn.
Ăn bớt tiền từ thiện của tập thể bị xử lý ra sao?
Điều 5 Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo nghiêm cấm các hành vi:
Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia vận động, đóng góp, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện; Báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật; chiếm đoạt; phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện;
Lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Như vậy tiền quyên góp từ thiện phải được phân phối cho người dân cần giúp đỡ theo quy định. Tổ chức, cá nhân ăn chặn, chiếm đoạt tiền từ thiện sẽ bị phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự – luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.
Về phạt hành chính, theo Điều 10 Nghị định 130/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Để hư hỏng, thất thoát tiền, hàng cứu trợ, trừ trường hợp bất khả kháng do thiên tai, hỏa hoạn; Sử dụng, phân phối tiền, hàng cứu trợ không đúng mục đích, không đúng đối tượng; Tráo đổi hàng cứu trợ.
Trường hợp quyên góp tiền của người khác với lý do làm từ thiện nhưng lại không dùng khoản tiền đó cho mục đích từ thiện mà nhằm chiếm đoạt thì theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng.
Trường hợp hành vi chiếm đoạt tiền từ thiện có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì đối tượng thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Điều 174 BLHS 2015 quy định, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 174 .
Theo đó, thủ đoạn gian dối trong trường hợp kêu gọi quyên góp từ thiện có thể là đưa ra thông tin giả để làm cho người khác tin và giao tài sản cho người phạm tội. Mức phạt đối với người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể lên đến 20 năm tù, thậm chí là tù chung thân.
Còn theo Điều 175 BBLHS 2015, hành vi làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi vạy, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
Trong trường hợp kêu gọi quyên góp tiền từ thiện, hành vi chiếm đoạt tài sản có thể là hành vi không thực hiện đúng cam kết ban đầu, cũng không trả lại số tiền đã quyên góp bằng các thủ đoạn gian dối như: rút bớt tài sản, giả mạo bằng chứng từ. Người phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tù đến 20 năm – luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.