Tin bão số 4 khẩn cấp: Gió giật cấp 10, cách Đà Nẵng hơn 200km
Hồi 4h ngày 19/9, vị trí tâm bão số 4 cách Đà Nẵng khoảng 217km về phía Đông Đông Bắc, Quảng Trị khoảng 262km về phía Đông. Bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão số 04 năm 2024. Tại Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Hồi 4h ngày 19/9, vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 217km về phía Đông Bắc, cách Quảng Trị khoảng 260km về phía Đông.
Bão số 4 có sức gió mạnh nhất cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10. Dự báo trong các giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20km/h.
Hướng di chuyển của bão số 4. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Dự báo diễn biến bão số 4 trong 24 giờ tới:
Dự báo bão số 4 gây gió mạnh, sóng lớn, nước dâng.
Trên biển, vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6-7 (39-61km/h), sóng biển cao 2 – 4m, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10 (89-102km/h), sóng biển cao 3 – 5m, biển động mạnh.
Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, ở khu vực biển từ Bình Định đến Cà Mau; phía Nam của khu vực Giữa Biển Đông, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 3 – 5m. Biển động mạnh.
Ven biển các tỉnh từ Quảng Bình tới Quảng Nam cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,3-0,5m, kết hợp với triều cường và sóng lớn gây sạt lở đê, kè biển, ngập úng tại khu vực trũng, thấp.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của giông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Trên đất liền, từ sáng ngày 19/9, vùng đất liền ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10 (89-102km/h); sâu trong đất liền có gió giật cấp 6-7.
Đề phòng xuất hiện các ổ mây giông mạnh phía trước hoàn lưu bão. Trong điều kiện thời tiết xảy ra mưa giông mạnh, hệ quả đi kèm với nó là cây xanh gãy đổ, các mái tôn, biển hiệu quảng cáo có thể bị thổi bay trong không khí.
Bão số 4 gây mưa lớn: Từ ngày 19/9 đến ngày 20/9, ở khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, cục bộ có nơi trên 500mm. Đề phòng mưa cường suất lớn (>150mm/6 giờ) ở khu vực từ Quảng Trị – Đà Nẵng trong ngày 19/9.
Ngày 19/9, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và giông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 70mm.
Mưa lớn dẫn đến tình trạng ngập lụt cho các khu vực đô thị, nơi tập trung đông dân cư do nước không kịp thoát.
Tuyệt đối không xem nhẹ bão cấp 8
Trước diễn biến bão số 4, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: “Dù là áp thấp nhiệt đới hay bão số 4 mạnh cấp 8, chúng tôi vẫn khuyến nghị người dân không nên nghĩ rằng đó là gió yếu, đặc biệt là khi hoàn lưu cơn bão rất rộng, không chỉ tác động trực tiếp vào Bắc và Trung Trung Bộ mà còn mở rộng ra các khu vực khác như nam đồng bằng ven biển Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ do kết hợp hoàn lưu gió mùa Tây Nam mạnh nằm trong dải hội tụ nhiệt đới”.
Ông Khiêm nhận định, hệ thống thời tiết xấu này có thể làm xuất hiện các hiện tượng mưa, giông, lốc xoáy kèm gió giật mạnh.
“Chúng tôi nhấn mạnh rất nhiều lần rằng gió giật mạnh trong giông, lốc xoáy thì mạnh, thậm chí nguy hiểm hơn cơn bão mạnh, rất nguy hiểm đối với các hoạt động trên biển cũng như trên bờ, nhất là các khu neo đậu tàu thuyền, lồng bè, nuôi trồng thủy sản. Chúng ta tuyệt đối không nghĩ đây là cơn bão cấp 8 mà xem nhẹ tốc độ gió”, ông Khiêm nhấn mạnh.
Về tình hình mưa lớn, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, bão số 4 kết hợp dải hội tụ nhiệt đới gây mưa lớn diện rộng. Mưa lớn đã bắt đầu từ đêm qua đến nay, tiếp tục kéo dài trong những ngày tới.
Từ nay tới 2 ngày tới, lượng mưa ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có thể từ 100 – 300mm, có nơi lên tới 500mm. Trọng tâm mưa lớn tại các địa phương: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị… với cường suất lớn trên 100mm trong vòng 3 – 6 giờ khi bão tác động trực tiếp.
Ngoài ra, mưa lớn cũng có thể xuất hiện ở khu vực nam đồng bằng Trung Bộ, Thanh Hóa, Tây Nguyên và Nam Bộ. Lưu ý, mưa tại khu vực Tây Nguyên (Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng…) có thể dẫn tới tình trạng sạt lở đất. Mưa lớn tại Nam Bộ dẫn tới các vấn đề ngập úng đô thị…
“Với lượng mưa lớn tới vài trăm milimet, vùng núi phía Tây và Bắc Trung Bộ, khu vực Tây Nguyên đều nằm trong cảnh báo nguy cơ cao lũ quét và sạt lở đất trong những ngày tới”, ông Khiêm lưu ý.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão (bão số 4) khu vực Đà Nẵng đang có mưa to, khu vực ven biển gió bắt đầu lớn từng hồi. Để bảo vệ tài sản, ngư dân Đà Nẵng dầm mình trong mưa, gió để neo đậu, đưa tàu thuyền vào nơi an toàn. Ảnh: Nguyễn Thành
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, bão số 4 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Đà Nẵng. Với kinh nghiệm chống bão nhiều năm, các ngư dân luôn nâng cao cảnh giác để phòng, tránh thiệt hại tàu thuyền và tài sản khi neo đậu một cách cẩn thận. Ảnh: Nguyễn Thành.
Nhiều thuyền gắn máy neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà) sáng nay 18/9 đã bị vào nước do mưa quá lớn, nguy cơ chìm nên người dân gọi nhau cùng tát nước để kéo thuyền lên bờ.
Hàng trăm tàu thuyền trong khu vực đã về neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang
Theo báo cáo của BĐBP TP. Đà Nẵng, tổng số phương tiện tàu thuyền có đăng ký, đăng kiểm của địa phương là 1.159 phương tiện/8.316 lao động. Đến sáng nay, số tàu thuyền đang neo đậu tại các bến là 1.097 phương tiện với 7.699 lao động. Ảnh: Nguyễn Thành.
Hiện vẫn còn 62 phương tiện tàu thuyền với 617 lao động của Đà Nẵng đang hoạt động trên biển. Trong đó, khu vực vịnh Bắc Bộ có 1 phương tiện với 7 lao động; khu vực ven bờ từ Quảng Trị – Đà Nẵng là 10 phương tiện với 87 lao động; khu vực bắc biển Đông – Hoàng Sa 41 phương tiện với 452 lao động; khu vực giữa biển Đông – Trường Sa 10 phương tiện với 71 lao động. Ảnh: Nguyễn Thành.
Các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nắm được diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới, bão số 4. Hiện nay các đơn vị, các đài trực canh của BĐBP Đà Nẵng đang duy trì thông tin, liên lạc với các phương tiện hoạt động trên biển, thông báo kêu gọi, hướng dẫn vòng tránh không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc vào bờ để trú tránh an toàn.
Theo báo cáo của BQL Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, hiện nay, neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang có 590 tàu. Cụ thể, Đà Nẵng có 354 tàu, các tỉnh khác 236 tàu. Ngoài ra còn 95 ghe nhỏ. Ảnh: Nguyễn Thành.
Ngư dân thu gom ngư lưới cụ trên biển Mân Thái vào trưa nay 18/9.
Một ngư dân tranh thủ tát nước trong ghe tại âu thuyền Thọ Quang để kéo lên bờ, tránh bị chìm trong mưa, bão.
Các ngư dân Đà Nẵng neo đậu tàu thuyền trú tránh bão tại âu thuyền Thọ Quang. Ảnh: Nguyễn Thành.
Ngư cụ đánh bắt gần bờ được ngư dân thu gom đưa vào đất liền tránh thiệt hại do mưa bão.
Những chiếc thuyền thúng cuối cùng được ngư dân gánh lên bờ tại bãi biển Mân Thái (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) trước giờ bão đổ bộ.