Sẽ xây ống thép xuyên qua hồ Tây để ‘giải cứu’ dòng sông hơn 2.000 năm tuổi

Sẽ xây ống thép xuyên qua hồ Tây để ‘giải cứu’ dòng sông hơn 2.000 năm tuổi

Lãnh đạo TP. Hà Nội yêu cầu xây dựng hai đường ống thép chạy song song và đặt ngầm dưới lòng hồ, trong đó một đường ống sẽ đảm nhiệm việc dẫn  nước bổ sung thường xuyên cho sông Tô Lịch.
Sáng ngày 2/12, Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội – bà Bùi Thị Minh Hoàn cùng Chủ tịch UBND TP. Hà Nội – ông Trần Sỹ Thanh đã trực tiếp kiểm tra tiến độ thực hiện dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và công tác cải thiện môi trường sông Tô Lịch.

Kết thúc buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Sở Xây dựng khẩn trương triển khai dự án dẫn nước từ sông Hồng qua Hồ Tây nhằm bổ sung nguồn nước cho sông Tô Lịch. Giải pháp này không chỉ giúp tạo dòng chảy mà còn góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm của dòng sông.

Để đảm bảo hệ sinh thái của Hồ Tây trong quá trình thực hiện, lãnh đạo thành phố yêu cầu xây dựng hai đường ống thép chạy song song và đặt ngầm dưới lòng hồ. Một đường ống sẽ đảm nhiệm việc dẫn nước bổ sung thường xuyên cho sông Tô Lịch, trong khi đường ống còn lại được thiết kế để dự phòng, sẵn sàng cấp nước khi cần thiết.

Sẽ xây ống thép xuyên qua hồ Tây để ‘giải cứu’ dòng sông hơn 2.000 năm tuổi

Sông Tô Lịch. Nguồn ảnh: Thăng long Chính phủ
Chủ tịch TP. Hà Nội nêu rõ: “Tôi giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thành thủ tục trong 3 tháng và tổ chức thi công trong 6 tháng. Làm sao để dự án hoàn thành dịp 2/9/2025″.

Theo báo cáo từ Sở Xây dựng, Giám đốc Võ Nguyên Phong cho biết, theo quy hoạch, việc bổ sung nước cho sông Tô Lịch được thực hiện qua lộ trình: Từ trạm bơm Liên Mạc đến trạm bơm Xuân Phương, sau đó qua hệ thống kênh dẫn nước thải, đi qua khu vực Thành phố Giao Lưu, khu Tây Hồ Tây, tiếp tục qua đường Hoàng Quốc Việt trước khi chảy vào sông Tô Lịch.

Quãng đường dẫn nước theo quy hoạch dài khoảng 8km, đi qua nhiều khu vực dân cư, đòi hỏi công tác giải phóng mặt bằng phức tạp. Vì vậy, Giám đốc Sở Xây dựng đánh giá phương án này không khả thi trong điều kiện thực tế.

Thay vào đó, ông Phong đề xuất phương án hiệu quả hơn, lấy nước trực tiếp từ sông Hồng qua ngõ 464 Âu Cơ, đi ngầm dưới đê Âu Cơ để vào hồ Tây. Tuy nhiên, tuyến đường Nhật Tân – Âu Cơ vừa được nâng cấp cải tạo, gây khó khăn cho việc thi công qua khu vực này. Để khắc phục, Sở Xây dựng đang cân nhắc sử dụng đoạn chưa được nâng cấp phía trên cầu Nhật Tân, dẫn nước qua ngõ 566 Lạc Long Quân vào hồ Tây. Phương án này khả thi hơn và rút ngắn đáng kể quãng đường dẫn nước.

Khi  nước từ sông Hồng được dẫn vào hồ Tây, nguồn nước này sẽ bổ sung cho sông Tô Lịch thông qua hai cửa điều tiết A và B tại phố Trích Sài. Để đảm bảo dòng chảy ổn định, ông Phong đề xuất bổ sung các trạm bơm với công suất 3m3/s.

Ngoài ra, ông Phong nhấn mạnh, thành phố đã giao quận Tây Hồ lập dự án quản lý tổng thể hồ Tây. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao xây dựng đề án cải tạo môi trường cho 4 con sông nội đô gồm Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ và Sét. Các đơn vị liên quan cần khẩn trương thực hiện các đề án này, ưu tiên làm sạch sông Tô Lịch để cải thiện môi trường sinh thái tại hồ Tây và các sông nội đô.

Sông Tô Lịch – một nhánh của sông Cái (nay là sông Hồng) từng có dòng chảy kết nối trực tiếp với Hồ Tây. Tuy nhiên, vào thời Nguyễn, sự thay đổi dòng chảy của sông Hồng đã khiến sông Tô bị cắt nguồn nước, dẫn đến tình trạng bồi lấp cửa sông.

Đến năm 1889, người Pháp quyết định lấp một phần sông Tô để xây dựng khu vực 36 phố phường nổi tiếng. Sau khi hai cửa sông bị chặn hoàn toàn, sông Tô mất đi sự liên kết với sông Hồng và Hồ Tây, dẫn đến tình trạng dòng chảy bị tắc nghẽn. Kể từ đó, con sông này dần trở thành nơi chứa lượng lớn nước thải đô thị, trong khi không có biện pháp khơi thông dòng chảy hiệu quả.

Qua hơn 2.000 năm lịch sử, từ một con sông rộng lớn mang giá trị tự nhiên và văn hóa, sông Tô Lịch nay biến thành một cống nước thải đen ngòm. Sự suy thoái này không chỉ làm Thủ đô mất đi một di sản quý giá mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân trong suốt nhiều thập kỷ.